Rembrandt là họa sĩ có tài thiên phú, lập nghiệp khi còn rất trẻ và rất sớm thành danh, song cuộc đời không ít thăng trầm, sóng gió. Vượt qua tất cả những bi kịch cá nhân, Rembrandt không bao giờ rời xa cây cọ và giá vẽ.
Di sản ông để lại cho hậu thế thật đồ sộ: hơn 600 bức tranh sơn dầu, 1.300 bức tranh khắc, 2.000 bức phác thảo… Ông là thầy dạy vẽ của gần như tất cả các họa sĩ hàng đầu ở Hà Lan thế kỷ XVII.
Người Hà Lan coi ông là một trong những người nổi tiếng nhất trong lịch sử dân tộc. Thế giới xếp ông vào hàng danh họa, cùng danh sách với Leonardo da Vinci, Michelangelo, Albreeht Durer, Paul Rubens, Eugene Delacroix, Anguste Rodin, Vincent Van Gogh, Henri Matisse, Pablo Picasso…
Cuộc đời
Ở Leyde, thành phố lớn thứ hai của Hà Lan sau Amsterdam, có một ông chủ cối xay. Ông đã có chín người con, và đến ngày 15.7.1606 lại có thêm đứa con thứ mười, đó là Rembrandt Van Rhijin.
Thoạt đầu Rembrandt yêu văn chương nên năm 14 tuổi đã ghi tên theo học văn khoa ở Leyde. Nhưng chỉ ít lâu sau, Rembrandt đã bị các xưởng họa ở thành phố cuốn hút, liền xin vào xưởng họa của Jacob Isaocs để học nghề vẽ.
Rembrandt nhanh chóng hiểu rằng, những người thầy mà mình cần theo học là các bạn họa sĩ ở thủ đô Amsterdam, vừa 17 tuổi anh đã tới đó để xin được tập sự tại xưởng vẽ của họa sĩ nổi tiếng Pieter Lasman.
Sau đó, anh còn được học thêm một bậc thầy hội họa khác là họa sĩ Elsheimer.
Năm 1629 tài năng của Rembrandt được nhà chính trị Constantijn Huygens (cha của nhà khoa học nổi tiếng Christiaan Huygens) phát hiện và ông được đề nghị vẽ tranh cho chính quyền Den Haag.
Nhờ mối quan hệ này mà hoàng tử Frederik Hendrik cũng bắt đầu đặt tranh của Rembrandt cho đến tận năm 1646.
Cuối năm 1631 Rembrandt chuyển tới Amsterdam, nhanh chóng phát triển công việc làm ăn ở thủ đô thương mại mới của Hà Lan và bắt đầu trở thành họa sĩ vẽ chân dung chuyên nghiệp với nhiều thành công lớn.
Ở Amsterdam, Rembrandt vẽ rất nhiều, đồng thời đi sâu vào tìm hiểu thị trường nghệ thuật hội họa. Người trợ thủ cho họa sĩ là Hendrich Van Uylenburgh, cũng là họa sĩ kiêm buôn bán họa phẩm, đã cho Rembrandt tá túc những năm đầu mới đến Amsterdam.
Rembrandt trở thành một họa sĩ thời thượng với rất nhiều đơn đặt hàng vẽ chân dung. Họa sĩ bắt đầu ký dưới tác phẩm chỉ bằng tên riêng, Rembrandt. Đó là cách ông muốn ghi dấu sự ngang hàng với các bậc thầy danh tiếng lẫy lừng người Italia, như Leonard, Raphael.
Rembrandt sống khá hoang phí, ông mua các tác phẩm nghệ thuật (gồm cả việc mua đấu giá tác phẩm của chính ông), các bản in (thường dùng cho các bức tranh của họa sĩ) và các vật quý hiếm khác.
Vì cách chi tiêu như vậy nên cuối cùng tòa án, để tránh việc họa sĩ bị phá sản, đã phát mại phần lớn các bức tranh và một phần bộ sưu tập đồ cổ của Rembrandt.
Hai người thân của họa sĩ là Hendrickje và Titus lần lượt qua đời trước ông vào các năm 1663 và 1668, để lại Rembrandt với người con gái cuối cùng.
Hơn một năm sau cái chết của người con, Rembrandt van Rijn qua đời ngày 4 tháng 10 năm 1669 tại Amsterdam và được an táng trong một ngôi mộ không đánh dấu ở Westerkerk.
Sự nghiệp
Trong một lá thư gửi cho Huyghens, Rembrandt đã tiết lộ điều ông tìm kiếm trong nghệ thuật, đó là “chuyển động (hay cảm xúc) tự nhiên nhất và tuyệt vời nhất” (“die meeste ende di naetuereelste beweechgelickheijt” – từ “beweechgelickhijt” vừa có nghĩa là “cảm xúc”, vừa có nghĩa là “chuyển động”).
Ba đề tài chính trong suốt sự nghiệp sáng tác của Rembrandt là tranh chân dung, tranh phong cảnh và tranh minh họa. Với giới nghệ thuật và tôn giáo đương thời, ông được coi là bậc thầy của các bức tranh minh họa Kinh Thánh trong việc miêu tả cảm xúc và các chi tiết.
Phong cách vẽ của ông chuyển từ những nét mềm mại, trơn nhẵn ở giai đoạn đầu sang những nét thô ráp để mô tả đạt hơn cảm xúc của mẫu vật.
Bên cạnh sự phát triển về kĩ thuật hội họa, Rembrandt cũng có những bước tiến trong kĩ thuật khắc bản in và in ấn.
Trong các bản khắc giai đoạn sau, từ năm 1642 trở đi, Rembrandt lại một lần nữa cách tân nghệ thuật hội họa. Bút pháp của ông mạnh mẽ, khoáng đạt hơn hẳn thời kỳ trước. Trên mỗi hình họa, mỗi mảng màu, thấy ngọn bút của ông tự do và tân kỳ phi thường.
Sau này, người đời ghi nhận những bức tranh như Gia đình người thợ mộc, Những thợ dệt tiêu biểu, và hàng loạt các tác phẩm khác của Rembrandt đã tạo nên những đỉnh cao mới cho mỹ thuật Hà Lan và thế giới. Ông đã vẽ miệt mài, vẽ cặm cụi, vẽ suốt đời.
Năm 1632 Ông hoàn thành bức tranh “Buổi học giải phẫu của giáo sư Tulp”. Đây là bức chân dung tập thể được vẽ theo đơn đặt hàng của giáo sư Tulp. Vì muốn để lại hình ảnh của mình cho con cháu mai sau, giáo sư Tulp đã tìm đến Rembrandt.
Khi vẽ “Buổi học giải phẫu của giáo sư Tulp”, Rembrandt không sử dụng bố cục hàng ngang như thường lệ, mà sử dụng cách bố cục hình tam giác. Đạo cụ của buổi học là một xác chết được Rembrandt bố trí ở trung tâm của bức tranh.
Vị giáo sư một tay cầm dao mổ, một tay hất cơ bắp màu đỏ của xác chết lên cho học trò xem. Ông được họa sĩ “cho” đứng ở một góc của xác chết, còn các học trò đứng ở một góc khác.
Để thể hiện rõ từng cá nhân, Rembrandt cho ánh sáng chiếu thẳng vào mặt của từng người, hiệu quả của ánh sáng và bóng tối thể hiện rất rõ rệt.
Để làm vừa lòng giáo sư, Rembrandt đã phá lệ, viết đầy đủ họ tên của tám nhân vật vào một tấm giấy và “đặt” tấm giấy đó vào tay một nhân vật trong tranh.
Với bức “Một buổi dạy vẽ của giáo sư Tulp”, Rembrandt được công chúng biết đến như một họa sĩ kiệt xuất về vẽ tranh chân dung tập thể.
Ngay sau đó, họa sĩ tiến một bước cao hơn trong hội họa bằng những tác phẩm rộng lớn hơn với cách bố cục đạt tới chiều sâu tinh thần và xúc cảm mang tính nhân bản sâu sắc, tiêu biểu là bức tranh Suzanne tắm, và bức tranh mà hậu thế gọi là Đoàn tuần tra ban đêm.
Các nhà nghiên cứu hội họa cho rằng Rembrandt không những nổi tiếng bởi tranh sơn dầu, tranh khắc bản, mà còn nổi tiếng “là người mẫu kiên nhẫn nhất thế giới”.
Ông tự ngắm mình qua gương, vẽ nên khoảng gần 100 bức. Rembrandt tự vẽ mình từ khi còn là một thanh niên tràn đầy sức lực cho đến khi trở thành một ông già đau khổ.
Qua bộ sưu tập chân dung tự họa của Rembrandt, hậu thế có thể hình dung những thăng trầm, biến đổi trong cuộc đời họa sĩ.
Khi còn là thanh niên, Rembrandt vẽ mình là một người dè dặt, khiêm tốn, lúc trưởng thành là một người có sự nghiệp, tự tin trong công việc. Còn những bức chân dung khi về già lộ rõ vẻ nghèo đói, khô kiệt, không tham vọng, bất hạnh trong cuộc sống lứa đôi.
Bức chân dung tự họa năm 1658 được đánh giá là bức chân dung tự họa xuất sắc nhất của Rembrandt.
Rembrandt là người đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực sau này – Ngay cả khi vẽ nhân vật nữ, ông không cố ý làm đẹp, mà mô tả họ như chính những phẩm chất trong con người bình dân.
Nghệ thuật của Rembrandt luôn luôn được cách tân trong những chặng đường khác nhau của cuộc đời ông. Các nhà phê bình đã dùng những ngôn từ như “chiều sâu vô hạn”, “sự tìm kiếm sắc bén” để miêu tả cách dùng màu sắc của Rembrandt.
Càng về cuối đời ông càng sử dụng cách vẽ sơn dầu có chất cảm dầy và mạnh, trông như những vệt bút và những mảng màu trừu tượng. Tuy vậy, cách vẽ này làm cho tranh của ông chứa đựng “đặc chất nội tại của tinh thần”.
Trong sự tĩnh lặng, tranh Rembrandt hàm chứa một tình cảm nồng nhiệt và trong kỹ năng tả thực chuẩn xác của ông bộc lộ nỗi sung sướng cũng như niềm đau khổ vô hạn.
Ngày nay, rất nhiều bức chân dung tự họa của Rembrandt được lưu giữ tại Bảo tàng Mauritshuis ở Den Haag. Trong một phiên đấu giá, bức chân dung Rembrandt với nụ cười ngạo nghễ, khuôn mặt bừng sáng đã được mua với giá 2 triệu bảng Anh. Người mua bức chân dung này dường như rất hài lòng với số tiền bỏ ra để được sở hữu nó.
Số lượng tác phẩm
Vào đầu thế kỉ 20 người ta cho rằng họa sĩ đã sáng tác khoảng trên 600 bức tranh hoàn chỉnh, gần 400 bản khắc và khoảng 2000 bức vẽ.
Những nghiên cứu gần đây hơn từ thập niên 1960 cho đến nay (do Dự án nghiên cứu Rembrandt tiến hành) đã đưa ra con số gây tranh cãi ít hơn rất nhiều với khoảng gần 300 bức tranh.
Rembrandt là người vẽ rất nhiều tranh chân dung tự họa, đã có nghiên cứu đưa ra con số khoảng 90 bức, nhưng hiện nay người ta biết rằng có một số trong các bức chân dung này là do học trò của họa sĩ vẽ, như một hình thức luyện tập.
Con số tranh chân dung tự họa do chính Rembrandt vẽ có lẽ là khoảng hơn 40 bức, chưa kể khoảng vài bức họa và 31 bản khắc.
Khiếm khuyết thị giác
Margaret S. Livingstone, giáo sư bộ môn sinh học thần kinh (neurobiology) tại Đại học Y Harvard (Harvard Medical School) trong một bài báo xuất bản năm 2004 đã đưa ra giả thuyết về việc thị giác của Rembrandt bị mắc chứng không phân biệt được hình khối (stereo blindness – mù lập thể).
Kết luận này được đưa ra sau quá trình phân tích 36 bức chân dung tự họa của Rembrandt. Vì không thể dùng dùng hai mắt để tạo ra thị trường chung (binocular vision) một cách bình thường, bộ não của họa sĩ đã tự động chuyển phần lớn việc quan sát cho một mắt.
Sự vô hiệu hóa một mắt đã giúp họa sĩ làm phẳng các hình ảnh ông nhìn thấy và dễ dàng chuyển nó thành các hình ảnh hai chiều trên tranh.
Theo Livingstone, có lẽ sự khiếm khuyết này lại là một món quà cho những họa sĩ lớn như Rembrandt: “Các giảng viên nghệ thuật thường yêu cầu sinh viên nhắm một mắt để làm phẳng những gì họ nhìn thấy. Vì vậy việc bị mù lập thể không những không phải là một khuyết tật, trái lại nó lại là một món quà cho các nghệ sĩ.”.
Tuy nhiên cần phải thấy rằng trong các bức tranh Rembrandt dựng lại rất tốt hình khối của các vật thể, đặc biệt là các khuôn mặt, để cảm thụ được độ sâu của mẫu như vậy người họa sĩ rõ ràng phải có khả năng nhìn vật thể ba chiều một cách bình thường.
Những tác phẩm chân dung ngày nay trong hội họa hay nhiếp ảnh (các đặt mẫu và ánh sáng) đều học tập theo Rembrandt. Người ta còn gọi những cách bố cục chân dung kiểu 1/3 là bố cục Rembrandt.
Nguồn: Thiết Kế Mỹ Thuật