Mỗi bức ảnh mang đến cho người xem cảm xúc lẫn lộn về những nỗi đau khổ vẫn đang tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới của chúng ta.
Đó là Pulitzer – một trong những giải thưởng báo chí danh giá nhất của thế giới. Các bức ảnh từng đoạt giải này đều phản ánh những điểm nhấn độc đáo và chân thực nhất trên các lĩnh vực đời sống như: văn hóa, chính trị, xã hội, thể thao…
1. Người công nhân của Ford
Bức ảnh được chụp vào năm 1941, khi các công nhân của hãng ô tô Ford đình công. Hình ảnh cho thấy một nhân viên bị lực lượng an ninh đánh đập rất dã man. Bức ảnh nhanh chóng tạo ra tiếng vang lớn, là một bằng chứng thép về sự bất công, tàn bạo trong các nhà máy tư bản.
Tác giả bức ảnh Milton Brooks đã nói: “Tôi đã chụp ảnh một cách nhanh chóng, giấu máy ảnh dưới áo khoác của tôi rồi chui vào đám đông. Rất nhiều người đã mất mạng chỉ vì chụp những tấm ảnh như thế này”.
2. Bức ảnh về James Meredith
James H. Meredith là một người Mỹ gốc Phi, ông là một nhà đấu tranh chống lại sự phân biệt chủng tộc đang rất phổ biến ở Mỹ thời bấy giờ. James là người Mỹ gốc Phi đầu tiên được học ĐH Mississippi và sau khi tốt nghiệp, ông tập chung tổ chức các phong trào đòi quyền bình đẳng cho người da đen.
Thế nhưng trong một lần tham gia biểu tình vận động người da đen tự tin với bản thân, ông bị một tay súng bắn tỉa cực đoan ám hại. May thay, viên đạn chỉ trúng chân và người đàn ông dũng cảm tỏ ra không hề sợ sệt chút nào, James Meredith tiếp tục các phong trào đòi bình đẳng cho người gốc Phi ngay sau khi ra viện.
3. Nụ hôn của sự sống
Randall G. Champion trong một lần leo lên sửa đường dây điện cao thế đã bị điện giật tới bất tỉnh. May mắn thay, một người phụ xe lửa gần đó đã phát hiện và kịp thời làm công tác hô hấp nhân tạo cho anh chàng tội nghiệp trong một tư thế vô cùng độc đáo.
4. Trận đấu cuối cùng
Ngày 13/6/1948, vận động viên bóng chày nổi tiếng Babe Ruth xuất hiện cuối cùng trước công chúng tại sân vận động Yankee. Ông ra sân thi đấu trận chia tay ngay sau khi biết mình mắc phải căn bệnh nan y ung thư. Bài phát biểu của ông sau trận đấu đã khiến mọi khán giả có mặt khóc nức nở…
5. Trường học của chủng tộc
Tháng 4/1957, cô sinh viên Dorothy Count – một trong những sinh viên da màu đầu tiên đã bước vào trường trung học Harry Harding – một ngôi trường mới xóa bỏ tệ phân biệt chủng tộc.
Những kẻ bám theo cô đã ném đá và la hét “Hãy cút về nơi mà mày đã đến”. Những kẻ da trắng đã đạt được mục đích của mình sau khi hạ nhục cô sinh viên. Gia đình của Dorothy đã rút tên cô khỏi ngôi trường này chỉ 4 ngày sau đó.
6. Kền kền chờ đợi
Tháng 3/1993, Carter tới Sudan và đã bị thu hút bởi tiếng rên rỉ yếu ớt của một đứa trẻ gầy trơ xương ở gần làng Ayod. Bức ảnh được chụp khi đứa bé dừng lại để nghỉ trong lúc đang cố lết tới trung tâm cứu đói cách đó khoảng 1km.
Một con kền kền đậu gần đó, chực chờ để đợi ăn đứa bé đó. Carter kể lại anh đã đứng chờ khoảng 20 phút, mong rằng con kền kền sẽ giang cánh bay đi nhưng nó vẫn đứng yên. Carter đã chụp bức ảnh đó và đuổi con kền kền đi.
Dù đã nhận được giải thưởng Pulitzer nhưng nó cũng khiến Carter hứng chịu sự chỉ trích nặng nề của dư luận về tội: chỉ chú ý đến việc chụp ảnh mà không mảy may giúp đỡ em gái đáng thương.
Ngày 27/7/1994, Kevin Carter đã tự sát bằng khí than trong ô tô của mình. “Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức về cái chết, về sự giận dữ và nỗi đau của những đứa trẻ đói khát hoặc bị thương…” – đó là những dòng cuối cùng Carter để lại, cùng với sự bàng hoàng và đau xót, cảnh tỉnh con người vì những nỗi khổ đau vẫn đang tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới của chúng ta
Theo: MASK