Nghệ thuật Typography

Ở bài viết định nghĩa Typography, Tạp chí logo.edu.vn đã giới thiệu với bạn về Typography và một số minh hoạ đẹp. Ở bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về Typography và những ứng dụng của nó vào thiết kế.

1. Typography là gì ?

Khi muốn tạo ra một sản phẩm, chúng ta phải bắt đầu bằng việc có nguyên liệu, như khi ta muốn đóng ra 1 cái bàn hay một cái ghế thì ta phải có các nguyên liệu khác nhau như: gỗ, đinh, keo… và khi đã có nguyên liệu thì ta phải biết đó cái bàn đó ra sao, đó là những kỹ thuật cưa, bào, đục, đóng … thông qua những công cụ làm việc như búa, cưa, bào… Sau cùng kết quả ta đạt được chính là cái bàn.

Cũng vậy, trong thiết kế, để có một tác phẩm, thì ta cũng phải bắt đầu có những nguyên liệu như hình ảnh, màu sắc, font chữ… và bắt đầu thực hiện bằng những kỹ thuật đồ họa: cắt, dán, vẽ, tạo hiệu ứng (effect) thông qua các chương trình đồ họa. Sau khi hoàn thành, kết quả ta có được sẽ là 1 tác phẩm đồ họa.

Hiểu rõ hơn về Typography

Đơn giản Typography là một phương pháp thiết kế mà trong đó những nguyên liệu ta chọn là text, những ký tự, font chữ. Thông qua những kỹ thuật riêng của mình (sẽ được nói tới trong những phần sau) để cho ra đời một tác phẩm. Các kỹ thuật đó bao gồm chọn kiểu chữ, kết hợp chữ hoa hay thường, phân mảng, sử dụng đường viền hay kết hợp với những thành phần phụ trợ khác…

Bất cứ người thiết kế đều đã ít nhất hơn một lần đứng trước những vấn đề lựa chọn font chữ thích hợp, hay kích cỡ chữ… Tất cả những công việc đó chính là Typography ở mức độ cơ bản nhất. Nói như vậy để thấy Typography không phải là cái gì quá cao siêu, nó rất gần gũi với thường ngày, chẳng qua ta có thể sử dụng và phát huy hết khả năng của Typography hay không.

Với Typography, bạn gần như có thể được giải phóng hoàn toàn khỏi việc lựa chọn hình ảnh, hay tìm kiếm những thứ nguyên liệu khác. Khi đã nắm vững, Typography sẽ đem lại một sức mạnh thiết kế rất lớn, mà sự bắt đầu từ những chữ cái, những đường line tưởng chừng rất đơn giản.

Chào mừng đến với thế giới của Typography.

2. Bắt đầu với Typography:

2.1 Typography có từ khi nào ?

Từ ngàn xưa, con người đã bắt đầu tìm ra cách để có thể ghi lại những lời nói, ý nghĩ của họ. Và từ khi có chữ viết xuất hiện, Typography cũng đã được chính thức ra đời với những hình thức sơ khai của nó. Hầu như tất cả các kỹ thuật Typography đều đã được sử dụng trong suốt thời gian tồn tại và phát triển của chữ viết, sau này là chữ điện tử.

Vậy tại sao chỉ với những yếu tố cơ bản là text, ký tự, font chữ và những thành phần phụ trợ đơn giản mà Typography lại có được sự thú vị như vậy. Đầu tiên ta phải nắm bắt được các thành phần này và sau đó phải tìm cách kết hợp chúng lại với nhau, khi đó ta sẽ có được bức tranh toàn diện về Typography.

2.2 Font chữ:

Như ta đã biết, Typography chủ yếu làm việc với những chữ cái, những font chữ, vậy font chữ bắt đầu từ đâu ?

Kế từ khi chữ viết xuất hiện tới nay, thì đã có rất nhiều kiểu chữ viết khác nhau xuất hiện và tồn tại. Một số kiểu chữ sau này được đưa vào sử dụng thông dụng trong máy tính như là những font chữ đã được khẳng định giá trị qua thời gian. Và cùng lúc có những nhà thiết kế mà công việc của họ là sáng tạo ra những kiểu chữ mới, họ được gọi là Typographer. Các font chữ mà ta sử dụng hàng ngày, từ những font thông thường cho đến những font lạ mắt đều là kết quả của một quá trình sáng tao. Từ đó dẫn đến nguyên tắc đầu tiên là: “Phải luôn tôn trọng những font chữ này”. Vd: Khi cần những font chữ dẹp hay kéo giãn, ta nên sử dụng những phiên bản condense hay extreme của font tương ứng.

Có rất nhiều font chữ khác nhau được dùng, nhưng ta có thể chia 5 nhóm:

  • Serif: Là dạng chữ có chân. Vd: Times News Roman, Palatino…
  • San serif: Dạng chữ không chân. (Arial, Helvetica, Futura…)
  • Monospace: Đây là loại chữ mà tất cả các ký tự đều có bề ngang bằng nhau (Courier, Lucida…).
  • Script: Dạng chữ viết tay.
  • Fantasy – Decoration: Đây là dạng chữ khá đặc biệt, mỗi chữ cái là một thiết kế phức tạp, ví dụ như một chữ cái được lồng trong một hình vẽ cách điệu, hay được biến đổi thành một con vật…

Trong tất cả các font chữ, có một số tồn tại qua thời gian và đã được thực tế chứng thực giá trị, ta có thể kế ra như: Helvetica, Futura, Arial, Courier, Times News Roman, Book, Century, New Baskerville, Palatino, Optima, Garamond, Goudy.

Mỗi font chữ đều có những đặc tính khác nhau, thể hiện một ý nghĩa khác nhau, do đó cũng phải được dùng trong từng trường hợp khác nhau.

Ví dụ:

  • Times New Roman thể hiện sự chắc chắn, rõ ràng, thường được sử dụng trong các văn bản.
  • Garamond được xem là một font chữ được thiết kế rất thanh lịch, có thể dùng trong các thể loại cần sự thanh lịch và sang trọng.
  • Futura là một trong những font chữ góc, thiết kết rất đơn giản, không có nhiều những yếu tố phụ trợ, với những nét tròn hoàn hảo cũng cũng những đường thẳng. Thể hiện sự đơn giản và đặc tính cơ bản.

Đặc biệt, Optima là một font chữ đặc biệt, là sự kết hợp giữa serif và san serif, kế thừa cả đặc tính của cả 2.

2.3. Typography và giới hạn.

Typography với những nguyên liệu chính được sử dụng là text, nhưng không chỉ gói gọn trong những font chữ có sẵn trên máy tính, mà còn có thể là những font chữ được đang phát triển hay những mẫu phác thảo, vẽ tay … chẳng hạn. Và tất nhiên ngoài các ký tự ra, ta hoàn toàn có thể sử dụng hình ảnh, hay các yếu tố đồ họa khác (graphic elements) như đường thằng, đường cong, mảng màu… như là những yếu tố phụ trợ. Tóm lại, đừng giới hạn bản thân vào bất cứ gì, mà hãy dùng mọi cách để thể hiện ý tưởng.

3. Luật cơ bản:

Khi đã bắt đầu nắm bắt được những khái niệm cơ bản, bây giờ là lúc để bạn bắt đầu đi sâu vào vấn đề, vào các luật lệ cơ bản phải theo, các kỹ thuật được áp dụng trong Typography.

Luật cơ bản nhất là “Hãy tôn trọng tối đa một font chữ”, nếu không thật cần thiết hay là có một ý tưởng để phải thay đổi hình dáng chữ (kéo giãn hay bóp dẹp) thì đừng nên bóp dẹp hay kéo giãn chỉ vì để đủ chỗ hay lấp một khaỏng trống nào đó trên giao diện. Hãy thử dùng các phiên bản condensed (narrow) hay extreme (wide) trong trường hợp đó.

Các kỹ thuật của Typography được chia làm bốn nhóm chính.

  • Những yếu tố Typographic: Đây chủ yếu là việc lựa chọn font chữ nào, uppercase hay lowercase, Bold, Italic hay không, bề ngang hay chiều cao của chữ…
  • Những yếu tố Form: Lựa chọn và kết hợp màu chữ, độ đậm nhạt, phân mảnh, đường viền, texture, hòa trộn với background.
  • Những yếu tố Space: Sắp xếp và vị trí của một chữ cái so với một nhóm hay giữa các nhóm với nhau, phương hướng của chữ, nhịp điệu của đoạn text…
  • Những yếu tố Support: Những chi tiết hỗ trợ thêm vào có thể là đường line, mảng màu, ký hiệu (symbol) hay hình ảnh nhằm hỗ trợ thêm hiệu quả.

Khi áp dụng, tùy vào mỗi tác phẩm và ý tưởng mà ta áp dụng một hay kết hợp nhiều kỹ thuật lại với nhau.

Nguồn: Thiết Kế Mỹ Thuật