Jonathan Ive – thiên tài đằng sau các sản phẩm vĩ đại của Apple

Jonathan Paul “Jony” Ive là người con của thành phố Luân Đôn, làm Phó chủ tịch cấp cao phụ trách cả phần cứng và phần mềm của Apple. Kể từ 1997 khi Steve Jobs hồi sinh Apple, dấu ấn Jony xuất hiện trên mỗi dòng sản phẩm, từ iMac, iPod đến iPhone, iPad và nay bắt đầu thời kỳ iWatch. Jony trở thành “lão tướng” của làng công nghệ, người mà những nhà thiết kế trẻ mong muốn một lần gặp mặt…

Tại buổi lễ long trọng ở Cung điện hoàng gia Buckingham Palace, tháng 5-2012, Công chúa Anne của Vương quốc Anh đã thực hiện nghi thức tước phong Hiệp sĩ cho Jonathan Paul “Jony” Ive bởi những cống hiến về thiết kế công nghiệp hữu ích cho nhân loại…

ive

Câu chuyện bắt đầu vào khoảng tháng 9-1997 khi Jony – viên kỹ sư 30 tuổi đến từ trường Bách khoa công nghệ Newcastle (Anh quốc) – đang muốn rời bỏ công ty máy tính Apple, nơi anh đã đến làm việc từ năm 1992. Nhưng 15 năm sau, tháng 10-2012 Jony trở thành nhân vật quan trọng nhất tại Apple sau khi đảm nhận thêm chức vụ lãnh đạo thiết kế phần mềm từ tay Scott Forstall, người đã công khai thách thức Tim Cook để trở thành giám đốc điều hành, và cũng là người tạo ra thất bại ê chề cho công ty bởi những lỗi trong phần mềm Apple Maps.

Câu chuyện của năm 1997   Tình hình Apple mỗi ngày một thêm tồi tệ và năm 1997 công ty rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng vì mất phương hướng. Từ vài năm trước sau khi Steve Jobs rời bỏ công ty, các nhà quản lý hàng đầu chỉ nhắm tới việc gia tăng lợi nhuận mà coi thường khâu chất lượng sản phẩm. Công ty nhanh chóng có những đồng tiền nhưng cũng tiến nhanh đến khả năng phá sản. Cuối cùng tia hy vọng cũng đã tới khi Steve Jobs đồng ý sáp nhập công ty phần mềm NeXT Software rất thành công của mình vào Apple với giá 400 triệu đô la Mỹ lúc bấy giờ.

Không phải ai khác, Jobs chính là người đã đồng sáng lập và điều hành Apple từ năm 1976 cho tới khi bị đẩy ra ngoài bởi các nhà đầu tư chiếm phần hùn lớn. Thông qua NeXT, Jobs nay trở thành người có cổ phần cá nhân lớn nhất tại Apple và ngay trước khi trở thành Giám đốc điều hành ông đã bắt tay ngay vào việc thay đổi văn hóa kinh doanh của công ty. Phát biểu trước toàn thể công nhân, Jobs cho biết Apple từ nay nhắm đến việc tạo dựng những sản phẩm tốt, sản phẩm có ích cho xã hội trước khi nghĩ đến chuyện tiền bạc. Jony nhìn được con người đó, nghe được những lời nói đó và ông quyết tâm ở lại để cùng vị lãnh đạo đổi mới và xây dựng công ty.

Điều đáng nói là quyết định ở lại của Jony trở thành nhân tố quan trọng để Apple bắt đầu một giai đoạn lịch sử mới đầy ấn tượng, từ chỗ gần như phá sản trở thành công ty công nghệ có giá trị lớn nhất thế giới. Bằng sức lực, tài năng và sự cống hiến của mình, Jony lần lượt thăng tiến trong hàng ngũ công nhân, trở thành nhà lãnh đạo thiết kế phần cứng. Và ngày 29-10-2012 Tim Cook chính thức công bố Jonathan Ive đảm nhận thêm chức vụ lãnh đạo sản xuất phần mềm mà gọi theo ngôn từ Apple là phần Giao diện con người – Human Interface.

Apple là công ty có tầm ảnh hưởng công nghệ lớn nhất thế giới và người đã trực tiếp lãnh đạo cả phần cứng và phần mền trước đó chỉ có thể là Steve Jobs. Nay với việc bổ nhiệm này, Giám đốc điều hành Tim Cook là nhân vật quyền lực nhất, và Jony là người quan trọng nhất bởi ông có trách nhiệm đưa ra quyết định về việc cho ra đời những dòng sản phẩm.

Bộ đôi hoàn hảo JIVES

Khi Steve Jobs không thể vượt qua bạo bệnh, nhiều người đã hỏi ai sẽ là người thay thế vị trí của con người huyền thoại này. Một năm sau người ta vẫn thấy vai trò đó còn nằm trong tay một tập thể gọi là Hội đồng Giám đốc do Tim Cook đứng đầu. Nhưng rồi số thành viên hội đồng cứ giảm dần, và nay không phải vô lý khi nhiều người chọn câu trả lời là Jony.

Jobs đã nói với Walter Isaacson, người viết tiểu sử đời ông, rằng: “Nếu tôi muốn có người bạn tâm tình tại Apple, thì đó chính là Jony”. Jobs và Jony rất gần gũi với nhau và thường được gọi là cặp đôi “Jives” ghép từ họ của Jobs và Ive. Họ thường đi dạo trong khuôn viên công ty để bàn bạc công việc từ kiểu dáng thiết kế đến chất lượng vật liệu, và thường ăn chung những bữa cơm trưa. Vợ của Jobs, bà Laurene Powell, cho biết: “Với Steve, hầu hết những người trong công ty đều có thể thay thế được cả, nhưng Jony thì không”.

Mối quan hệ thân thiết này bắt đầu ngay sau khi Steve Jobs trở lại Apple. Lúc bấy giờ ông muốn thuê một nhà thiết kế từ bên ngoài để lãnh đạo việc canh tân công ty, bắt đầu từ khâu sản phẩm. Nhưng khi sục sạo các xưởng thiết kế, Jobs bất ngờ bắt gặp những tác phẩm tuyệt hảo của Jony. Rồi Jony được chọn để thực hiện iMac, sản phẩm canh tân đầu tiên của Apple không chỉ làm hài lòng ban giám đốc mà còn được đón nhận nhiệt tình bởi những người sử dụng.

Thời đại điện tử di động của Apple đã bắt đầu từ tháng 10-2001 khi Steve Jobs tung ra máy nghe nhạc iPod khai thác kho nhạc trực tuyến iTunes khổng lồ. Đến tháng 1-2007 Apple công bố iPhone, một kiểu điện thoại di động thông minh tích hợp Internet và các ứng dụng của iPod. Tháng 1-2010 Apple giới thiệu dòng máy tính bảng iPad chạy bởi iOS như một công cụ di động đa tương tác cùng một lúc với nhiều tiện nghi như đọc báo, tra sách, xem hình, chiếu video, nghe nhạc, soạn văn bản và các ứng dụng khác của điện thoại thông minh iPhone. Tất cả đều có sự đóng góp tích cực của Jony.

Jobs nhận xét: “Những khác biệt mà Jony mang lại không chỉ cho Apple mà cho cả thế giới. Ông là người thông minh, sắc sảo khi thực hiện chức năng, am hiểu các nguyên tắc kinh doanh và sáng tạo trong ý niệm tiếp thị. Ông có khả năng tổ chức công việc tốt hơn bất cứ người nào trong công ty, và chẳng cần ai bảo ông cần làm cái gì”

Trước những thử thách mới   Với tài năng và đức độ của mình, Jony đã đứng vững bên cạnh Jobs vào thời khắc lịch sử của năm 1997. Nay Apple cũng đang trong tình trạng chao đảo theo sau việc ra đi của Phó chủ tịch cấp cao phụ trách phần mềm Scott Forstall. Jony một lần nữa phải đứng vững bên cạnh Giám đốc điều hành Tim Cook để đưa Apple ra khỏi sóng gió. Tham vọng thay thế Jobs của Forstall đã thể hiện từ đầu năm 2011 khi Jobs phải đi nghỉ dưỡng dài hạn và dưới thời Tim Cook, ông tiếp tục thu gom quyền lực thông qua Hội đồng Giám đốc.

Nhưng trái lại, việc sản xuất phần mềm của bộ phận Human Interface do Forstall lãnh đạo bắt đầu chậm lại và bị sao nhãng. Số lượng công trình sáng tạo giảm xuống không bắt kịp yêu cầu thời đại và những lỗi kỹ thuật cơ bản bắt đầu xuất hiện trên những dòng sản phẩm truyền thống cũng như các dòng sản phẩm mới. Điều này làm cho Apple giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ mạnh như Samsung Electronics. Khả năng tăng tốc doanh thu từ “con ngựa chiến” iPhone chậm lại và giá cổ phiếu từ đỉnh cao 702 đô la trong tháng 9-2012 nay giảm mất đến một phần ba.

Hệ thống điều hành di động iOS, con át chủ bài của công nghệ phần mềm, đuối sức cạnh tranh, từ mức chiếm lĩnh 22,5% thị trường một năm trước đây nay chỉ còn 18,2%, trong khi nền tảng Android OS của Google nhảy vọt từ 56,8% lên 74,4%. Sai lầm căn cơ nhất trên ứng dụng bản đồ chỉ đường Apple Maps làm cho công chúng bực bội, và như giọt nước tràn ly, Forstall buộc phải từ chức để lại cho Jony những thứ ngổn ngang.   Jony phải làm lại tất cả. Trước tiên là chặn đà suy thoái, bắt đầu bằng việc làm cho phiên bản điều hành di động iOS 7.1 trở nên tiện ích hơn và dễ mến hơn. Việc này đã được Tim Cook khẳng định tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWSC) của Apple vừa diễn ra vào ngày 10-6. Với tính cách của Jony, người ta biết rằng Apple sẽ không chỉ khắc phục những “sự cố” của mình mà nhắm đến những sản phẩm mang tính đột phá sáng tạo mới, và đây lại là bản năng tự nhiên của Jonathan Ive.

Tin tức lọt ra bên ngoài cho biết trong những ngày này một nhóm hơn 100 kỹ sư của Jony đang làm việc cật lực để cho ra đời dòng đồng hồ thông minh Apple iWatch. Sản phẩm đầu tiên sẽ được đưa vào thị trường từ mùa thu năm nay. Thêm vào các chức năng truyền thống của một chiếc đồng hồ, iWatch được dùng như một phụ kiện của iPhone. Người mang iWatch có thể nghe được các cuộc gọi và tra cứu bản đồ thay vì thò tay vào túi để lấy điện thoại. Tùy từng sản phẩm, Apple iWatch có thêm máy đếm bước đi hay phần mềm giám sát tình trạng hoạt động của tim.

Theo Anand Srinivasan, nhà phân tích tại Bloomberg Research, thì đây không phải là sự phóng đại một khi Apple có những kho đầy ắp những kiểu dáng công nghiệp và phần mềm ứng dụng cùng nền tảng di động iOS của riêng mình. Nếu Apple thành công trong việc thuyết phục công chúng chấp nhận iWatch thay thế đồng hồ thì hẳn là một phát bắn trúng đích lớn: biên độ lợi nhuận của iWatch có thể lên đến 60%, gấp bốn lần đối với ti vi, và tương đương với sản phẩm sinh lợi tốt nhất từ trước đến nay của Apple là iPhone.

jonathan-ive

Laurence Balter, người phụ trách chiến lược đầu tư tại Oracle Investment Research, cho rằng iWatch có kỳ vọng đạt mức lợi nhuận của iPhone, khoảng 50%, và có thể bán ra đến 50 triệu chiếc trong vòng sáu tháng đầu tiên. Còn Oliver Chen, nhà phân tích thị trường tại Citigroup, cho biết quy mô của thị trường đồng hồ năm nay là vào khoảng 60 tỉ đô la, và iWatch của Apple có cơ hội chiếm lĩnh 6 tỉ đô la. Đồng hồ thông minh đã là giấc mơ từ lâu của Jony. Giữa các năm 2000 ông đã gửi những kỹ sư tới làm việc tại nhiều xưởng sản xuất đồng hồ cao cấp và gần đây công ty Nike cho biết họ vừa gửi cho Jony một hộp đầy những mẫu đồng hồ thể thao.

Trong quá khứ, Apple luôn gặt hái thành công khi nhiều công ty khác thất bại. Trước khi iPod ra đời đã có nhiều máy nghe nhạc xuất hiện trên thị trường. Tương tự, nhiều loại điện thoại thông minh đã xuất hiện trước iPhone và nhiều máy tính bảng ra đời trước iPad. Với Apple iWatch cũng vậy, đã có nhiều mẫu đồng hồ thông minh được các công ty sản xuất như Pebble Technologies, Martian Watches, Meta Watch và Smartify. Nhưng Apple có Hiệp sĩ Jonathan Ive và những kỹ năng để thành công trên các thương trường.